Sức hút quay trở lại nhóm cổ phiếu bất động sản

19/04/2018

Sau khoảng thời gian “án binh bất động”, cổ phiếu bất động sản, nhất là nhóm vừa và nhỏ đã quay lại và tăng mạnh trên thị trường tuần qua.

Sức hút quay trở lại nhóm cổ phiếu bất động sản

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 4/10 đến ngày 9/10, VN-Index tăng 37,84 điểm, tương đương tăng 2,83% lên 1.372,73 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,8% lên 99.572 tỷ đồng, khối lượng tăng 3,7% lên 3.356 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 15,43 điểm, tương đương tăng 4,33%, lên 371,92 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,9% xuống 13.226 tỷ đồng, khối lượng giảm 12,9% xuống 609 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản sau thời gian điều chỉnh đã tăng trở lại. Bên cạnh các mã lớn như NVL tăng 6,54%, VHM tăng 3,77%..., các mã cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ trở thành tâm điểm trong tuần qua.

Sức hút quay trở lại nhóm cổ phiếu bất động sản

KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance là “tân binh” được chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu trên sàn HNX từ ngày 6/10 với giá tham chiếu là 36.000 đồng/CP, tương đương giá trị vốn hóa doanh nghiệp đạt 10.800 tỷ đồng. Sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, KSF đã chạm mốc 56.500 đồng/CP, tương đương tăng 56,94%.

KSF Finance được thành lập vào tháng 2/2015, hoạt động kinh doanh chủ yếu là đầu tư và phát triển dự án bất động sản; phân phối bán hàng và cho thuê bất động sản đầu tư; tài chính - công nghệ với chiến lược trọng tâm là phát triển các dự án bất động sản thương mại, văn phòng.

Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu cho thuê bất động sản của tân binh này đem về 368,5 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng doanh thu (689 tỷ đồng); doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 290 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng doanh thu. Kết quả, KSF ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng.

Mã PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt cũng bất ngờ tăng 40% trong tuần từ mức giá 4.000 đồng/CP lên 5.600 đồng/CP. Cổ phiếu có 4 phiên tăng kịch trần và chỉ giảm nhẹ vào phiên ngày 5/10. Thanh khoản của PVL luôn cao với trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 1,4 triệu đơn vị/phiên. Trước tháng 4/2021, PVL luôn duy trì dưới mức giá trà đá trong nhiều năm.

Vào tháng 4/2017, PVL bị HNX đưa vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2015 và năm 2016 là số âm. Trong nửa đầu năm 2021, PVL tiếp tục lỗ sau thuế hơn 1 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 3 tỷ đồng) và vẫn nằm gọn ghẽ trong “danh sách đen” cổ phiếu bị kiểm soát của HNX.

Sau phiên đầu tuần không thuận lợi, mã NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy đã tăng trần vào 3 phiên cuối tuần giúp cổ phiếu tăng 23,37% trong tuần qua và tăng 63,72% kể từ đầu năm, thanh khoản cũng được cải thiện từ vài nghìn lên vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Dù không có phiên nào tăng kịch trần nhưng đà tăng đều cũng giúp cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings tăng từ 15.600 đồng/CP lên 18.900 đồng/CP, tương ứng tăng 21,15%. Tuy nhiên, về tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của DRH giảm mạnh với 83,8% chỉ đạt 4,6 tỷ đồng do doanh thu giảm tương ứng, song chi phí tài chính lại tăng 15,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng đáng kể như DIH của Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An tăng 20,86%; mã DTA của CTCP Đệ Tam tăng 16,30%; mã HDC của Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 12,29%; mã DXG của Tập đoàn Đất Xanh tăng 10,64%…

Trước khi nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành thỏi nam châm trên thị trường, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đã dự báo cổ phiếu bất động sản “là nhóm cần đặc biệt chú ý, có khả năng sẽ bật rất cao sau dịch”.

Kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ bứt phá vào cuối năm

Theo số liệu thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, tổng nguồn cung mới trên thị trường đạt trên 165.700 sản phẩm, còn lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 61.800 sản phẩm, chiếm 37% tổng nguồn cung.

Riêng quý III bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi GDP âm 6,17%, thị trường bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực của dịch khiến bức tranh chung tương đối ảm đạm.

Báo cáo thị trường quý III/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến bất động sản toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Đến tháng 8 giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có điểm sáng đến từ một số khu vực và loại hình bất động sản, đặc biệt, giá bất động sản vẫn tiếp tục xu hướng tăng.

Tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới” diễn ra vào ngày 6/10 mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá bản thân thị trường bất động sản không bị khủng hoảng, thậm chí sức khỏe và nội lực vô cùng tốt, nhưng tạm thời bị nén lại.

TS. Nguyễn Văn Đính phân tích, trong quý I/2020, Việt Nam đón nhận đợt dịch Covid-19 đầu tiên khiến tỷ lệ giao dịch, tỷ lệ hấp thụ, các con số trên thị trường bất động sản ở mức thấp nhất trong nhiều năm, kể từ khi nước ta thoát khỏi kỳ khủng hoảng 2011 - 2013. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 tình hình đã khác, thị trường lại trở về trạng thái bình thường.

“Ngay cả trong quý III, khi thị trường được coi như đóng băng thì vẫn có hàng vạn giao dịch được thực hiện, thị trường vẫn có sức sống tốt. Dù lực cầu thực tế có sụt giảm nhưng lực cầu của nhà đầu tư vẫn tốt. Vậy nên khi nào có dịch, thị trường sẽ tạm lắng lại thời gian, chỉ cần qua dịch, thị trường sẽ lại bùng lên mạnh mẽ”, TS. Đính nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, dòng tiền vào bất động sản hiện nay không hề giảm khi nguồn vốn tín dụng bất động sản trong 2 quý đầu năm tăng 5,1%. Trong đó, cho vay nhà ở tăng khoảng 9 -10%, chiếm 64% tổng nguồn vay; còn lại là cho kinh doanh đầu tư bất động sản chiếm 36%.

“Do đó, bất động sản vẫn là một kênh trú ẩn và là kênh đầu tư trung và dài hạn quan trọng của nhà đầu tư. Quý III có thể coi là mức đáy tăng trưởng của nền kinh tế và quý IV sẽ là quý phục hồi mạnh”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.

Các chuyên gia cũng đánh giá ở Việt Nam, một dự án bất động sản ra đời bình quân chỉ trong 18 tháng sẽ lấp đầy, còn ở các nước ASEAN sẽ là 5 năm. Vì ở Việt Nam, lực cầu quá mạnh, đặc biệt là lực cầu từ F0. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường lại khan hiếm do rào cản chính sách, quy định pháp luật,.. khiến thị trường chậm ra hàng, nguồn cung bị khan hiếm.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (mã FLC), thị trường bất động sản trong quý IV sẽ “cực kỳ khởi sắc” và tạo tiền đề tốt cho thị trường năm 2022 “bùng nổ hứng khởi”.

“Có lẽ quý IV sẽ là thời kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản một cách “bài bản” với những dự án đầy đủ tính pháp lý, đảm bảo pháp luật, không phải những cơn “sốt đất ảo” trên thị trường”, ông Quyết nhìn nhận.

Về triển vọng trong trung và dài hạn, Chứng khoán Agriseco đánh giá ngành bất động sản sẽ được duy trì tích cực, bởi bất động sản vẫn là kênh đầu tư phù hợp với khẩu vị của đại đa số nhà đầu tư Việt Nam.

Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất dự án lớn, khả năng triển khai dự án tốt sẽ tăng trưởng tốt trong dài hạn. Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khi phát triển cơ sở hạ tầng là mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn tới 2030.

Theo Cafeland