Bất động sản sẽ ra sao khi kinh tế tăng trưởng âm?

29/12/2018

Sau gần hai năm đối mặt với Covid-19, thị trường bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế đang hứng chịu những tác động tiêu cực.

Bất động sản sẽ ra sao khi kinh tế tăng trưởng âm?

Thị trường bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế đang hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Cấn Văn Lực cho biết cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang đối phó với những khó khăn do áp lực về dịch bệnh, lạm phát kinh tế.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng doanh nghiệp phải giải thể hoặc dừng hoạt động tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ lạm phát ở mức 3%.

Dự báo mức tăng trưởng GDP khả quan nhất của Việt Nam trong năm 2021 từ 4,8-5%, tình trạng xấu hơn sẽ đạt 3,5-4%, nhưng sức cầu thị trường rất yếu, vòng quay của đồng tiền diễn ra chậm.

Trong khi đó, dự kiến đến giữa năm 2022 Việt Nam mới đạt tiêu chí miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ông Lực cho rằng, với Việt Nam, khả năng phục hồi mạnh bắt đầu từ quý 4-2021. Quý 3 là quý đáy của nền kinh tế.

Chia sẻ ngắn gọn về bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam năm qua, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra bốn vấn đề.

Thứ nhất, hiện nay cả nước vẫn "chưa khoát khỏi tâm trạng buồn" của những chỉ số tăng trưởng âm. Do đó, những biện pháp giúp hàng hóa, tiền tệ lưu thông cần nhiều thời gian để phục hồi.

Thứ hai, thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh. Đây có thể là yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên.

Thứ ba, số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Và cuối cùng, theo ông Thiên, nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh sẽ cần sự ưu tiên chính sách.

“Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng”, ông Thiên nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam đang cho thấy những thay đổi trong những lúc khó khăn. Với trạng thái mở cửa dần, xu hướng thay đổi sẽ tiếp tục.

"Nếu chúng ta quan sát ở Việt Nam, giai đoạn dịch, không phải tỉnh nào cũng tăng trưởng âm”, ông Thành cho biết.

Cụ thể, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, tăng trưởng 14%. Điều đó sẽ tiếp diễn ở cả giai đoạn phục hồi. Bên cạnh động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng, thương mại đều phục hồi nhanh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết trong hoàn cảnh khó khăn do đợt dịch thứ 4 gây ra, bất động sản vẫn là một ngành có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển.

Mặc dù rất ít nguồn cung mới, nhưng sản phẩm được chào bán trên toàn thị trường từ đầu năm vẫn đạt số lượng lớn, hấp thụ khoảng 40%.

Phân khúc đất nền được nhà đầu tư quan tâm, với tỷ lệ hấp thụ đạt tới 60%. Thị trường phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực.

Dự báo về thị trường sắp tới, ông Đính cho rằng, việc nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản việc tiêm vaccine cho những người từ 18 tuổi đã tạo ra nhiều vùng xanh an toàn. Điều này sẽ góp phần kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Đính cho biết nhiều doanh nghiệp suy yếu, buộc phải thực hiện M&A dự án sẽ xuất hiện trong quý 4/2021. Tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều, dưới 10% và chủ yếu nằm ở các dự án nhỏ.

Theo Cafeland