Khối lượng đầu tư bất động sản toàn cầu sẵn sàng phá kỷ lục trong năm 2022

13/08/2018

Theo nghiên cứu mới nhất từ công ty bất động sản Knight Frank, lưu lượng đầu tư bất động sản xuyên biên giới sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2022.

Năm 2020, nghiên cứu của Knight Frank’s Active Capital từng dự đoán chính xác rằng Mỹ sẽ là điểm đến hàng đầu cho nguồn vốn bất động sản xuyên biên giới trên toàn cầu vào năm 2021, tiếp theo lần lượt là Anh, Đức, Úc và Pháp.

Nghiên cứu của Active Capital năm nay cho thấy sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngang bằng mức kỷ lục trước khi đại dịch bùng phát, tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm văn phòng, logistics và nhà đất, báo hiệu niềm tin của nhà đầu tư đã quay trở lại.

Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Hà Lan được dự báo là những điểm đến hàng đầu cho mảng đầu tư bất động sản xuyên biên giới trong năm 2022, dẫn đầu bởi các nhà quản lý đầu tư, tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân.

Theo Active Capital, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ chứng kiến ​​khối lượng đầu tư tăng lên đáng kể khi nhận được nguồn vốn đến từ Mỹ, Singapore, Canada, Anh và Đức. Ngoài ra, phân khúc cho thuê văn phòng sẽ chiếm tỷ trọng đầu tư lớn hơn.

Lĩnh vực văn phòng tại APAC được dự báo sẽ thu hút hơn một nửa khối lượng đầu tư từ các nhà đầu tư trong khu vực. Trung Quốc, Nhật Bản và Úc là những điểm đến phổ biến. Đứng ở những vị trí tiếp theo lần lượt là phân khúc bất động sản công nghiệp và bán lẻ.

Đối với đầu tư ra nước ngoài, Mỹ sẽ trở thành điểm đến ưa thích của những nhà đầu tư châu Á nhờ cơ hội mở rộng quy mô giữa các lĩnh vực. Trong khi đó, Anh sẽ là thị trường yêu thích của các nhà đầu tư châu Á khi tìm kiếm cơ hội tại châu Âu. Ngoài ra, một số thị trường cửa ngõ của lục địa già cũng thu hút sự chú ý.

Neil Brookes, Giám đốc Thị trường Vốn toàn cầu tại Knight Frank cho biết: “Kết quả từ báo cáo năm nay là dấu hiệu tích cực về sự phục hồi liên tục của thị trường bất động sản. Khi thế giới bước vào giai đoạn hậu Covid-19, đầu tư xuyên biên giới có thể quay trở lại như thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, nhờ sự phát triển của các loại hình công nghệ, chúng ta đã có thể giải quyết một số thách thức”.

Bằng cách sử dụng các công cụ lập mô hình giá, Knight Frank đã xác định được giá trị của một tòa nhà văn phòng. Cụ thể, các tòa nhà văn phòng ở trung tâm thủ đô London, Anh có xếp hạng cao nhất, được hưởng mức phí bảo hiểm 10,5% trên giá bán. Tiếp theo là các tòa nhà văn phòng ở thành phố Melbourne và Sydney. Những tòa nhà cũng được xếp hạng dựa trên yếu tố ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Emily Relf, ​​lãnh đạo bộ phận Chiến lược tại Knight Frank cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng chương trình nghị sự ESG trong các quyết định đầu tư và kinh doanh. Các nghiên cứu của chúng tôi tại Active Capital cho thấy nhu cầu về các công trình xanh sẽ tăng lên. Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ESG không phải là một vấn đề cần theo dõi trong tương lai, mà là một yếu tố thực tế đối với các nhà đầu tư hiện nay”.

Nghiên cứu của Knight Frank cũng xác định London, Thượng Hải, New York, Paris và Washington DC là 5 thành phố được xếp hạng phát triển bền vững hàng đầu thế giới về lĩnh vực bất động sản. Các thành phố được đo lường trên một loạt yếu tố, chẳng hạn như mạng lưới giao thông công cộng, không gian xanh đô thị,....

Tuy nhiên, trong khi các thành phố này đang đạt được những bước tiến trong việc hỗ trợ giảm thiểu phát thải carbon, không có thành phố nào miễn nhiễm hoàn toàn với các rủi ro về biến đổi khí hậu. Cụ thể, không thành phố nào trong số 286 thành phố trên toàn thế giới được Knight Frank khảo sát đạt điểm trên 6/10 về khả năng chống chịu với các rủi ro khí hậu.

Victoria Ormond, Đối tác nghiên cứu Thị trường Vốn tại Knight Frank chia sẻ: “Chúng tôi nhanh chóng nhận thấy tính bền vững thúc đẩy các chiến lược đầu tư bất động sản. Dù vậy, các nhà đầu tư trên toàn thế giới cần phải tính đến rủi ro của từ thiên tai cũng như biến đổi khí hậu trong tương lai”.

Theo Cafeland